Các dạng bào chế mỹ phẩm phổ biến
DẠNG BÀO CHẾ LÀ GÌ? ĐIỀU GÌ QUYẾT ĐỊNH DẠNG BÀO CHẾ CỦA MỸ PHẨM?
Dạng bào chế chính là trạng thái về vật lý của sản phẩm, mỗi một dạng bào chế lại có những đặc trưng riêng phù hợp với công dụng của sản phẩm. Ví dụ như son có thể là dạng thỏi hay dạng kem, sản phẩm dưỡng ẩm có thể ở dạng gel, cream hay lotion,... Mỹ phẩm có nhiều dạng bào chế, cơ bản nhất ta có thể xếp chúng vào 4 nhóm chính là dạng dung dịch (liquid), dạng nhũ tương (emulsion), dạng rắn (solid), dạng sol khí hay còn gọi là khí dung (Aerosol). Sự kết hợp và tương tác giữa hai nhóm nguyên liệu là chất nền cùng nhóm tạo đặc và nhũ hóa sẽ là yếu tố chính quyết định tới dạng bào chế của sản phẩm.
DẠNG DUNG DỊCH (LIQUID)
Đây là một trong những dạng bào chế đơn giản nhất của mỹ phẩm, với đặc tính là tạo thành hỗn hợp đồng nhất do có hầu hết các thành phần đều hòa tan trong nước. Dạng bào chế này thường được áp dụng cho các sản phẩm như dầu gội, nước hoa, tẩy trang,... Để tạo ra các sản phẩm dạng dung dịch, những gì chúng ta phải làm chỉ đơn giản là hòa tan các chất tan vào dung môi thích hợp (thường là nước), và có thể sử dụng nhiệt để tăng tốc độ cũng như mức độ hòa tan của các chất.
DẠNG NHŨ TƯƠNG (EMULSION)
Không đơn giản như dạng dung dịch, rất nhiều sản phẩm có có nguyên liệu hoặc thành phần khác nhau về tính tan, có thành phần tan trong nước, có thành phần lại tan trong dầu. Do vậy dạng nhũ tương được sử dụng. Nhũ tương là hệ phân tán của hai chất lỏng không hòa tan nhau, điển hình nhất là nhũ tương dầu trong nước hoặc nhũ tương nước trong dầu,... Dạng bào chế này thường áp dụng cho các loại kem dưỡng, dầu xả tóc, kem chống nắng,... Do nhũ tương là hệ phân tán dầu- nước nên để tạo thành dạng bào chế này cần có pha dầu (các chất kém hoặc không phân cực, tan trong các dung môi không phân cực: Dầu thiên nhiên, tinh dầu, paraffin, vaseline,...) pha nước (các chất phân cực và tan trong dung môi phân cực: Glycerin, Propylene glycol, Ethanol,...) và các thành phần nhũ hóa (các chất chứa cả đầu ưa nước và đầu ưa dầu, giúp 2 pha phân tán vào nhau tốt hơn). Dạng nhũ tương có thể phân loại nhỏ hơn thành 5 dạng bào chế cụ thể hơn bao gồm: Kem (cream), gel, lotion, mỡ (ointment), hỗn dịch (suspension).
Cream là dạng nhũ tương bán rắn, có thành phần tương đối cân bằng giữa 2 pha nước và dầu. Độ nhớt của dạng kem ở mức trung bình và thường mang lại cảm giác mềm. Với đặc tính thẩm thấu, hấp thụ nhanh, dễ rửa trôi, khả năng giữ ẩm tương đối tốt nên rất thích hợp làm dưỡng ẩm cho các loại da dầu và da hỗn hợp.
Dạng Lotion
Đây là dạng bào chế gần trung gian giữa dạng nước (liquid) và dạng cream, chúng linh động hơn dạng cream do đó cũng hấp thu nhanh hơn và tạo cảm giác nhẹ nhàng trên da hơn. Do lượng các chất trong pha dầu thấp hơn nên cũng cần ít các chất nhũ hóa hơn, cũng không phải lo ngại quá nhiều về hiện tượng tách lớp giữa 2 pha dầu và nước.
Dạng gel
Đây là dạng nhũ tương dầu trong nước với thành phần chính và các chất trong pha nước. Dạng gel có đặc tính thẩm thấu và khô nhanh, thường tạo thành một lớp màng mỏng sau khi khô, ít gây cảm giác bí hay nhờn rít trên da do vậy cũng rất thích hợp cho những người có làn da dầu.
Dạng mỡ (ointment)
Dạng mỡ chính là hệ nhũ tương dầu trong nước, với các tỉ lệ các thành phần trong pha dầu chiếm đa số. Do vậy chúng có một nhược điểm là có gây nhờn rít, bết dính. Tuy nhiên chúng lại có quá trình hấp thụ từ từ, nên tăng hiệu suất hấp thụ do vậy thường được sử dụng cho các loại sản phẩm đặc trị như kem trị mụn, kem trị nám,...
Dạng hỗn dịch (Suspension)
Dạng bào chế này ít gặp hơn các dạng nhũ tương đã nêu ở trên với pha phân tán là các hạt rắn có kích thước rất nhỏ (vi hạt, thường có kích thước micromet), nói đúng hơn thì nó là một dạng huyền phù. Dạng hỗn dịch thường kém bền vững và dễ tách lớp do vậy cần lắc đều khi sử dụng.
DẠNG RẮN (SOLID)
Các mỹ phẩm dạng rắn rất phổ biến đặc biệt là các dòng sản phẩm make up như son môi, phấn trang điểm, phấn mắt, chì kẻ mày,... Để có thể bào chế được mỹ phẩm dạng rắn, các thành phần sẽ cần được trộn đồng nhất với nhau trước sau đó định hình trong các loại khuôn hoặc tạo hình nhờ các loại chất kết dính, tác động của lực cơ học vật lý hay đặc tính đông đặc- nóng chảy.
DẠNG SOL KHÍ (AEROSOL)
Nói chính xác hơn thì đây không phải và dạng bào chế mà là cách thức đóng gói. Các dạng dung dịch hoặc nhũ tương có thể hóa khí (hoặc dạng các giọt li ti) phun ra khỏi vòi xịt dưới tác dụng áp suất của khí nén hoặc khí hoá lỏng. Tuy nhiên các dạng sản phẩm này thường không phổ biến bằng các dạng bào chế còn lại, a thường chỉ gặp ở một số sản phẩm như nước hoa, xịt khử mùi, khịt khoáng,...
Như vậy là chúng mình đã cùng nhau tìm hiểu về các dạng bào chế cơ bản của mỹ phẩm. Các bạn có thể đóng góp nội dung cũng như các bài viết cho chúng mình thông qua địa chỉ Email: rndhoamypham@gmail.com
Cảm ơn vì bạn đã ở đây!
Nhận xét
Đăng nhận xét