Tổng quan về các nhóm hoạt chất chính trong Hóa Mỹ Phẩm
HOẠT CHẤT LÀ GÌ?
Hoạt chất là nhóm các thành phần tuy chiếm tỉ lệ thấp trong công thức nhưng đóng vai trò quyết định tới hoạt tính và công dụng của sản phẩm. Dựa vào công dụng ta có thể chia chúng thành một số nhóm chính như nhóm các chất dưỡng ẩm, nhóm các chất làm trắng, nhóm các chất chống oxy hóa, nhóm các chất tẩy da chết, nhóm các chất trị mụn. Đôi khi ta cũng có thể bắt gặp các chất có nhiều hơn một công dụng.
NHÓM CÁC CHẤT DƯỠNG ẨM
Các chất có thể dưỡng ẩm cho da theo nhiều cách, tuy nhiên nhìn chung thì chúng đều dựa trên 3 cơ chế như sau:
- Chống mất nước (khóa ẩm): Loại hoạt chất sử dụng sẽ tạo thành 1 lớp màng mỏng trên bề mặt da từ đó ngăn ngừa mất nước từ da ra ngoài môi trường (Caprylic, Coconut oil, Olive oil, Dimethicone, Vitamin E...).
- Cấp nước cho da (cấp ẩm): Các chất này sẽ hút nước từ môi trường vào cung cấp cho da. (Acid Hyaluronic, Glycerin, Propylene Glycol, Polyethylene Glycol,...) Tuy nhiên một vài chất sẽ gây ra hiện tượng hút ẩm ngược khi điều kiện môi trường có độ ẩm quá thấp, thời tiết quá hanh khô, nước sẽ bị hút ngược từ da ra bên ngoài môi trường.
=> Do vậy 2 cơ chế dưỡng ẩm này thường được kết hợp cùng nhau để tăng cao hiệu quả dưỡng ẩm.
- Phục hồi lại các thành phần thiếu hụt: Cung cấp các yếu tố cung cấp độ ẩm cho da như amino-lipid.
NHÓM CÁC CHẤT DƯỠNG TRẮNG DA
Hầu hết các thành phần giúp dưỡng trắng da đều hoạt động dựa trên cơ chế ức chế quá trình tổng hợp hắc sắc tố melanin, cụ thể hơn là sự ức chế enzyme tyrosinase hoặc chống oxy hóa, ngăn chặn các gốc tự do phá hoại da, giúp làm giảm thâm sạm và sáng da. Các thành phần phổ biến của nhóm này có thể kể đến như Vitamin C, Hydroquinone, Arbutin,... Bên cạnh đó, việc ngăn ngừa sự khuếch tán các tế bào sắc tố ra khỏi các melanosome cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc làm trắng da hay điều trị nám. Về phương diện này, niacinamide đã được chứng minh là có tác dụng hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự khuếch tán melanin ra khỏi các túi chứa (melanosome) làm cho chúng không thoát lên được tầng thượng bì để gây sạm da.
NHÓM CÁC CHẤT CHỐNG OXY HÓA
Các gốc tự do vẫn luôn là kẻ thù số một cho sức khỏe làn da. Để chống lại sự tấn công này chúng ta cần tới sự giúp đỡ của các “chiến binh” chống oxy. Một vài cái tên nổi bật mà chúng mình có thể điểm qua như Taurine, Vitamin C, Vitamin A- Retinol, Vitamin B3, Rutin,...
NHÓM CÁC CHẤT TRỊ MỤN
Có nhiều nguyên nhân gây ra các vấn đề và bệnh lý liên quan tới mụn. Do vậy, các hoạt chất trị mụn cũng hoạt động dựa trên nhiều cơ chế tác động khác nhau. Triclosan có khả năng kết hợp với ENR của vi khuẩn, ngăn chặn quá trình tổng hợp acid béo nhờ đó có khả năng kiềm hãm và giết chết vi khuẩn gây ra mụn. Retinol (Vitamin A) và Acid Ascorbic (Vitamin C), Vitamin B2, B5 điều tiết sự hoạt động của tuyến bã nhờn, làm thông thoáng các lỗ chân lông làm giảm mụn, tăng cường hoạt động hệ thống miễn dịch trên da, bảo vệ da khỏi những tác nhân gây hại, giúp giảm mụn mủ và phục hồi da sau mụn. Acid Salicylic có tác dụng diệt khuẩn mụn, kháng viêm nhằm ngăn chặn sự lây lan, bội nhiễm và thông thoáng lỗ chân lông, tạo điều kiện cho các chất diệt khuẩn khác thẩm thấu và phát huy tác dụng.
NHÓM CÁC CHẤT TẨY DA CHẾT
Hẳn là các bạn không còn mấy xa lạ với các khái niệm như tẩy da chết vật lý, tẩy da chết hóa học hay tẩy da chết sinh học.
- Cơ chế vật lý: Trước đây cơ chế tẩy da chết vật lý thường phổ biến hơn, các thành phần tẩy da chết theo cơ chế này thường là các cellulose (vỏ hạt phỉ, vỏ hạt cà phê,...) hoặc các tinh thể (đường nâu, muối hồng Himalaya,...) chúng sẽ ma sát và loại bỏ các lớp tế bào, tuy nhiên nếu quá trình chà sát xảy ra quá mạnh có thể gây ra các tổn thương cho da. Bởi vậy ngày nay xu hướng sử dụng các hoạt chất tẩy da chết theo cơ chế hóa học hoặc sinh học đã trở nên phổ biến và cạnh tranh mạnh mẽ với cơ chế vật lý.
- Cơ chế hóa học: Nhắc đến tẩy da chết hóa học chúng ta thường nghĩ ngay tới các AHA- Alpha Hydroxy acid (Acid Lactic, Acid Ascorbic, Acid Mandelic,...), BHA- Beta Hydroxy acid(Acid Salicylic). Các loại acid hữu cơ này ở mức nồng độ thấp có tác dụng tẩy da chết tuy nhiên ở mức nồng độ cao hơn chúng có tác dụng đẩy nhanh quá trình sản sinh tế bào da mới đôi khi có thể gây ra hiện tượng châm chích nhẹ trên da, các BHA thường sẽ có tác dụng mạnh hơn các BHA và thường được dùng trong các chế phẩm thay da.
- Cơ chế sinh học: Ngoài ra, các enzyme sinh học như papain (từ đu đủ), bromelain (từ khóm) cho tác dụng tẩy tế bào chết nhờ vào khả năng ly giải protein, giúp loại đi các tế bào da chết một cách dễ dàng để tạo sự thông thoáng cho các lỗ chân lông.
NHÓM CÁC CHẤT TĂNG SINH COLLAGEN
Collagen là một thành phần quan trọng ảnh hưởng tới sự săn chắc và đàn hồi của làn da. Khi tuổi tác dần tăng lên, sự thiếu hụt collagen dẫn đến nhiều hậu quả không mong muốn. Bởi vậy để có thể chăm sóc, phục hồi và nuôi dưỡng tốt cho làn da không thể thiếu được các hoạt chất có vai trò thúc đẩy quá trình sản sinh ra Collagen. Một số thành phần có tác dụng này có thể kể đến như Niacinamide, Acid Glycolic, Vitamin C, Sodium Pyruvate, Lysine,...
Trong tương lai chúng mình sẽ cập nhật nhiều bài viết chi tiết hơn về từng hoạt chất, hãy luôn đồng hành cùng chúng mình nhé. Các bạn cũng có thể ủng hộ các bài viết về cho chúng mình thông qua địa chỉ Email: rndhoamypham@gmail.com
Cảm ơn vì bạn đã ở đây!
Định mua một tuýp salicylic mà phát hiện tuýp thuốc đang bôi ở nhà cũng có =) Cho hỏi thuốc với acid salicylic 5% bôi mụn với viêm nang lông được không nhỉ?
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
XóaĐược nhé bạn, Acid salicylic là một BHA có tác dụng tẩy tế bào chết, mờ thâm nám, hỗ trợ thu nhỏ lỗ chân lông và điều trị mụn. Tuy nhiên nếu mới sử dụng thì bạn nên bắt đầu với những sản phẩm có nồng độ vừa phải 0,5-1% và chỉ nên sử dụng mỗi 2-3 ngày 1 lần để da có thể làm quen. Với thuốc bôi Acid salicylic 5% thì chỉ nên chấm cục bộ tại vết mụn.
XóaTuyệt quá, bạn đang làm RD mỹ phẩm bên nào dọ, khi nào tuyển cho mình biết với, mình cũng đang làm bên mỹ phẩm á. Cảm ơn bạn, bài viết rất hay
Trả lờiXóa