Tổng quan về chất tạo đặc
Độ đặc hay độ dày của thành phẩm là một trong những yếu tố cảm quan quan trọng. Nó ảnh hưởng tới cảm nhận và sự thỏa mãn tức thời khi trải nghiệm sản phẩm cũng như sự thẩm thấu của các hoạt chất. Do vậy, chất tạo đặc cũng là một trong những thành phần rất được quan tâm. Để có thể lựa chọn được loại chất tạo đặc phù hợp thì chúng mình cần nắm được những đặc tính riêng biệt cũng như cơ chế hoạt động và cách sử dụng của chúng.
PHÂN LOẠI CÁC NHÓM CHẤT TẠO ĐẶC:
- NHÓM CÁC CHẤT VÔ CƠ (Inorganic thickener): Bentonite, Laponite, Silica, Magnesium, Aluminium…
- NHÓM CÁC CHẤT HỮU CƠ (Organic thickener):
- NHÓM CÁC CHẤT TỰ NHIÊN (Naturally derived thickener): Đây là nhóm các chất tạo đặc được tìm thấy trong tự nhiên, có thể từ thực vật hay động vật. Chúng là các polyme tự nhiên. Chúng sẽ hút nước và trương nở từ đó làm tăng độ nhớt của dung dịch.
- Nguồn gốc thực vật: Guar gum, Xanthan gum, Locust bean gum, Quince seed gum, Tragacanth gum, Gum Arabic, Pectin, Corn starch, Galactan, Carrageenan…
- Nguồn gốc động vật: Gelatin, Casein, Albumin, Collagen...
- NHÓM CÁC CHẤT BÁN TỔNG HỢP (Semi- synthetic thickener): Đây là nhóm các chất thu được từ quá trình biến tính các nguồn nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên.
- Cellulose: Methyl cellulose (MC), Ethyl cellulose (EC), Hydroxyethyl cellulose (HEC), Carboxymethyl cellulose (CMC), Hydroxypropyl cellulose (HPC), Methyl Hydroxypropyl cellulose (HPMC)...
- Starches: Soluble starches, Carboxymethyl starches, Methyl starches…
- Alginate: Propylene Glycol Ester Alginate, Alginates...
- NHÓM CÁC CHẤT TỔNG HỢP (Synthetic thickener):
- Vinyls: Polyvinyl Alcohol, Polyvinyl Methyl Ether, Sodium Polyacrylate, Carboxyvinyl polymer…
- Các nhóm chất khác: Carbomer, Carbopol Polymer, Polyethylene oxide, Polyethylene Glycol…
- NHÓM CÁC CHẤT TẠO ĐẶC BÉO (Lipid thickener): Đây là nhóm các chất ưa dầu, bản thân chúng đã có độ dày nhất định và chúng tạo đặc cho sản phẩm bằng cách truyền độ dày của chúng cho hỗn hợp. Do vậy chúng thường được dùng cho các sản phẩm dưỡng tóc, dưỡng da dạng cream: Cetyl Alcohol, Stearyl Alcohol, Carnauba Wax, Stearic acid…
- NHÓM CÁC CHẤT TẠO ĐẶC ION (Ionic thickener): Sodium Chloride, Canxi Chloride, Disodium Sulphate…
SỰ TƯƠNG TÁC CỦA CHẤT TẠO ĐẶC VỚI CÁC THÀNH PHẦN KHÁC TRONG CÔNG THỨC
Tương tự như các chất hoạt động bề mặt, các loại chất tạo đặc dạng polymer cũng có dạng anion, cation, non ionic. Do vậy khi lựa chọn các chất tạo đặc cần cân nhắc tính phù hợp và tương thích của chúng đối với nền của sản phẩm. Ví dụ như Acrylate Copolymer là một chất tạo đặc anion nên không thể sử dụng chúng cùng với các sản phẩm chứa các chất hoạt động bề mặt cation (Cetyl trimethylammonium bromide, Polyethoxylated tallow amine, Polyethoxylated tallow amine…).
Bên cạnh các chất hoạt động bề mặt chúng mình cũng cần quan tâm tới nồng độ các chất điện ly trong hỗn hợp nền. Một số chất tạo đặc chéo như Carbomer 940 không thể chịu được nền sản phẩm có nồng độ muối quá cao, do chúng dẫn tới áp suất thẩm thấu cao khiến khả năng trương nở của các hạt polymer bị giảm xuống.
Ngoài ra pH của sản phẩm cũng rất quan trọng do mỗi loại chất tạo đặc lại có một khoảng giá trị pH tối ưu khác nhau. Carbomer 940, Acrylate Copolymer phù hợp đối với các sản phẩm có pH trung tính (6-7,5), Guar Hydroxypropyltrimonium Chloride (N-Hance) lại hoạt động tốt hơn trong khoảng pH 4-6. Một số loại chất tạo đặc khác như PEG-120, PEG-150 cần được gia nhiệt để sử dụng.
Về tính chất lưu biến cũng như đặc tính làm dày của các chất tạo đặc cũng không giống nhau. Carbomer 940, Acrylate Copolymer cho sản phẩm có cảm giác mỏng nhẹ trên da hơn, dễ trở nên lỏng khi chịu tác động của các lực cắt, phù hợp để làm các dạng bào chế như lotion, serum, thạch và thích hợp với những người có da dầu. Các chất tạo đặc như PEG-120 hay PEG-150 sẽ làm cho sản phẩm sánh, đặc, có khả năng tương thích với nồng độ muối cao và cũng có khoảng pH rộng, thường được sử dụng trong dầu gội, dầu xả, sữa tắm… tuy nhiên chúng lại chịu ảnh hưởng bởi nhiệt độ, sản phẩm có thể gặp phải hiện tượng đông đặc lại khi nhiệt độ môi trường xuống thấp và khi đó chúng mình sẽ cần thêm các phụ gia để giảm bớt tác động của vấn đề này.
Như vậy là chúng mình đã cùng nhau tìm hiểu những gì chung nhất về chất đạo đặc trong mỹ phẩm. Trong tương lai chúng mình sẽ có thêm những bài viết chi tiết về các chất tạo đặc được sử dụng phổ biến, hãy đón đọc và ủng hộ chúng mình nhé. Các bạn cũng có thể góp ý nội dung hoặc đóng góp các bài viết cho chúng mình thông qua địa chỉ Email: rndhoamypham@gmail.com
Cảm ơn vì bạn đã ở đây!
Nhận xét
Đăng nhận xét