Góc nhìn về lĩnh vực nghiên cứu và phát triển sản phẩm Hóa mỹ phẩm tại Việt Nam hiện nay

Xin chào mọi người, mình là Hoàng Nhàn, một dân mới trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển sản phẩm hóa mỹ phẩm. Mặc dù chưa có thành tựu đáng kể nào trong lĩnh vực này và cũng không chắc bản thân đã có sự bao quát toàn diện về nó hay chưa, tuy nhiên mình vẫn muốn chia sẻ góc nhìn nhỏ của mình tới mọi người. Quan điểm và tầm nhìn của mỗi người về một sự vật, hiện tượng nào đó có thể sẽ thay đổi theo trải nghiệm và hiểu biết, nó không phải là thứ gì đó bất biến. Bởi vậy sẽ thật tuyệt vời nếu có ai đó phát hiện và chỉ cho chúng mình thấy những hạn chế đó phải không nào? Còn giờ, nếu cũng hứng thú, hãy đồng hành cùng mình trong bài viết này nhé!

NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM LÀ GÌ?




Trước hết chúng mình sẽ cùng nhau tới với câu hỏi đầu tiên. Vậy nghiên cứu và phát triển sản phẩm là gì? 
Mình đã từng tìm kiếm trên Google từ khóa y hệt như vậy, bằng cả Tiếng Việt và Tiếng Anh. Nhưng rồi mình chợt nhận ra cách nhanh hơn để trả lời cho câu hỏi này chính là đọc các mô tả công việc (jd) trên các trang về việc làm. Như chính cái tên của nó làm công việc này chính là làm nghiên cứu, và làm phát triển. Nghe rất buồn cười đúng không, nhưng khoan đã, vậy cụ thể nghiên cứu là nghiên cứu cái gì, phát triển là phát triển cái gì? 
Theo quan điểm của mình, sự thành công của một sản phẩm nói chung đến từ hai yếu tố chính. Thứ nhất là khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng của nó, thứ hai là khả năng tiếp cận của nó tới đối tượng người sử dụng tiềm năng. Và nhiệm vụ của nghiên cứu và phát triển sản phẩm chính là yếu tố thứ nhất. Nghiên cứu ở đây chính là nghiên cứu về khách hàng, về những nhu cầu còn chưa được đáp ứng của họ sau đó mới là nghiên cứu cách tạo ra sản phẩm thỏa mãn điều này, phát triển và hoàn thiện chúng.

CÁC GIAI ĐOẠN TRONG R&D SẢN PHẨM, NHỮNG VIỆC PHẢI LÀM KHI LÀ MỘT CHUYÊN VIÊN NGHIÊN CỨU VÀ  PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM LÀ GÌ?

Và bây giờ chúng mình sẽ cùng nhau tới với câu hỏi tiếp theo nhé. Vậy cụ thể khi là một chuyên viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm thì chúng mình sẽ làm những công việc gì? Có rất nhiều đầu việc mà chúng mình có thể làm nhé, nhưng cụ thể đó là gì thì sẽ phụ thuộc vào vị trí của bạn trong đội nhóm, quy mô công ty hay phòng thí nghiệm của bạn cũng như nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác. Ứng với mỗi giai đoạn trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm sẽ có những công việc khác nhau. Trước hết chúng mình cần phải nắm bắt được nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng, từ đó biết được những yêu cầu cụ thể mà sản phẩm cần có để có thể đáp ứng được thị trường. Tiếp theo sẽ là việc bắt tay vào nghiên cứu về sản phẩm, tham khảo các sản phẩm tốt trên thị trường, ưu nhược điểm. Và tiếp theo mới là việc xây dựng công thức, lựa chọn nguyên liệu để sản phẩm có thể đáp ứng các yêu cầu đề ra. Sau đó hàng loạt thử nghiệm ở quy mô phòng thí nghiệm sẽ được tiến hành song song với quá trình tiếp nhận phản hồi và hoàn thiện sản phẩm. Kết thúc quá trình này, sẽ là quá trình xây dựng quy trình trong sản xuất công nghiệp, lựa chọn bao bì, tem nhãn, thiết kế… Việc xây dựng quy trình sản xuất công nghiệp là một công việc khó và đòi hỏi những hiểu biết đặc thù riêng. Như vậy về cơ bản việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm sẽ gồm 6 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn 1: Nghiên cứu về khách hàng và nhu cầu thị trường, dự đoán cá xu hướng.

  • Giai đoạn 2: Xây dựng công thức đáp ứng được các yêu cầu đề ra (công năng sử dụng, giá thành...)

  • Giai đoạn 3: Xây dựng quy trình cho phòng thí nghiệm và tiến hành thử nghiệm.

  • Giai đoạn 4: Tiến hành song song với giai đoạn 3. Thu thập ý kiến phản hồi, hoàn thiện công thức sản phẩm.

  • Giai đoạn 5: Xây dựng quy trình quy mô sản xuất công nghiệp.

  • Giai đoạn 6: Lựa chọn các nhà cung cấp nguyên vật liệu, vật tư...

Bên cạnh những công việc chính tương ứng với các giai đoạn trên, đôi khi chúng mình cũng có thể được yêu cầu những công việc như làm hồ sơ công bố cho sản phẩm, hỗ trợ chuyển giao quy trình, cảnh báo, xử lý các vấn đề có thể xảy ra cho bộ phận sản xuất...

NHỮNG TỐ CHẤT VÀ KỸ NĂNG GÌ CẦN ĐƯỢC TRAU DỒI VÀ RÈN LUYỆN KHI LÀM R&D

Sau khi trả lời hai câu hỏi trên, có lẽ bạn cũng đã có những câu trả lời riêng cho câu hỏi này rồi phải không nào. Với mình, điều đơn giản nhất mà chúng mình có thể rèn luyện để làm tốt hơn công việc này đó chính là hãy trở thành một người tiêu dùng khó tính hơn, hãy đặt chính mình vào vị trí của khách hàng. Ngoài ra chúng mình cũng cần trau dồi thêm nhiều kiến thức về xã hội, truyền thống, văn hóa vì đây cũng là những yếu tố ảnh hưởng tới thói quen và quyết định của người tiêu dùng. Một ví dụ đơn giản nhé, một ngày mình chợt bất ngờ nhận ra rằng ở thành phố Hồ Chí Minh mọi người không sử dụng khăn giấy khô tại các quán ăn như ngoài Hà Nội mà họ chỉ dùng khăn giấy ướt thôi, dù là quán vỉa hè hay nhà hàng sang trọng. Mình đã tình cờ phát hiện điều này khi có chuyến thăm người thân ở Hồ Chí Minh, và hiển nhiên rằng sẽ còn rất lâu mình mới nhận ra nó nếu chỉ ở nhà hay loanh quanh trên mạng. 

Ngoài ra chúng mình cũng cần rèn luyện khả năng làm việc độc lập, kĩ năng lên kế hoạch và sắp xếp thời gian, kỹ năng tổng hợp và phân tích thông tin. Chính vì vậy đừng thấy những môn học như Toán cao cấp hay thống kê là nhạt nhẽo hay vô ích nữa nhé. Chúng sẽ là những hành trang, những bài tập nhỏ giúp các bạn thực hành và rèn luyện những kỹ năng cần thiết đó. Cũng đừng bỏ bê hay chểnh mảng những kiến thức trên trường, chúng có thể sẽ chẳng giúp ích trực tiếp cho công việc của bạn, nhưng sẽ là nền móng vững chắc để bạn phát triển hơn trong tương lai. Mình cũng đã từng thấy những môn học trên trường như Hóa Hữu Cơ, Hóa Lý, Hóa Công Nghệ, Hóa Keo thật khó nhằn và khô khan, mình cũng chẳng biết rốt cuộc cần học những môn đó để làm gì nữa. Nhưng thực tế đã chứng minh cho mình thấy rằng, chúng thật sự cần thiết. Mình tin vào câu “cách bạn làm một việc là cách bạn làm mọi thứ”, đặc biệt với những công việc như nghiên cứu thì điều đó càng đúng hơn. Nếu có một điều ước vào lúc này, mình thực sự ước rằng mình đã chăm chỉ hơn trong quãng thời gian sinh viên. Tuy nhiên, học tập và nghiên cứu không bao giờ là quá muộn để bắt đầu cả. Và nếu như đã tìm được sự yêu thích cho bản thân thì còn chần chờ gì nữa, hãy bắt đầu ngay nhé.

BỨC TRANH VỀ LĨNH VỰC R&D SẢN PHẨM HÓA MỸ PHẨM TẠI VIỆT NAM

Cũng như nhiều ngành công nghiệp khác, nghiên cứu và phát triển sản phẩm hóa mỹ phẩm tại Việt Nam dường như là đứa con sinh sau đẻ muộn đối với bạn bè thế giới. Điều này vừa có những lợi thế, vừa có những bất lợi riêng. 

Không khó để nhận ra rằng Việt Nam ta chưa thể tự mình sản xuất rất nhiều loại mặt hàng, hay chưa thể làm chủ nguồn nguyên liệu, vật tư…và xu hướng của người tiêu dùng dường như vẫn dành nhiều sự tin tưởng hơn cho những sản phẩm đến từ ngoại quốc. Điển hình như đối với mỹ phẩm, chúng mình có thể thấy độ phổ cập mạnh mẽ của các thương hiệu cao cấp nước ngoài như Mac, Dior, Lancome, YSL hay bình dân hơn với các thương hiệu đến từ Hàn Quốc hay Trung Quốc như The Body Shop, The Face Shop, Black Rough, Perfect Diary... Với vị thế là người đi sau, chúng mình sẽ phải cạnh tranh với những sản phẩm thật sự tốt và đã trải qua một hành trình dài để hoàn thiện và phát triển với nội lực mạnh về tài nguyên và tri thức. Tuy nhiên đồng thời chúng mình cũng có thể kế thừa, rút kinh nghiệm và rút ngắn được quá trình hình thành và phát triển ban đầu. 

Hơn thế nữa, khi nhìn vào sự vươn lên mạnh mẽ của một số thương hiệu Việt gần đây như Cocoon, Vedette, Cỏ Mềm, Sao Thái Dương... Chúng mình có thể thấy rằng thị trường vẫn luôn sẵn sàng ủng hộ những sản phẩm Việt chất lượng, chỉ cần có những ý tưởng tốt, nắm bắt được các xu hướng và sự đầu tư nghiêm túc về nội dung và tri thức, chúng mình hoàn toàn có thể cho ra mắt những sản phẩm được thị trường đón nhận. Vẫn còn rất nhiều mảnh đất màu mỡ để chúng mình khai thác.

Như vậy là bạn đã cùng mình đi qua những gì cơ bản và khái quát nhất về R&D hóa mỹ phẩm rồi đó, trong tương lai chúng mình sẽ có nhiều bài viết cụ thể và chi tiết hơn về các mảng nhỏ giúp mình và bạn cùng trau dồi nhiều hiểu biết và kỹ năng cần thiết khi làm R&D. Nhiều chủ đề hay ho sẽ được ra mắt như tổng quan về các thành phần phổ biến, sinh lý học về làn da và tóc, ngân hàng các công thức của một số sản phẩm, review về những cuốn sách hay, những nguồn tài liệu uy tín và chất lượng về lĩnh vực R&D, review về các sản phẩm có mặt trên thị trường, các bài viết tổng hợp và phân tích về xu hướng sản phẩm dựa trên thu thập về trải nghiệm và cảm nhận của người tiêu dùng… Hãy tiếp tục đồng hành cùng chúng mình, hoặc bạn có thể ủng hộ bài viết và đóng góp nội dung cho chúng mình thông qua hòm thư: rndhoamypham@gmail.com.

Lần nữa chân thành cảm ơn vì bạn đã ở đây!


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tổng quan về chất tạo đặc

Tổng quan về các nhóm hoạt chất chính trong Hóa Mỹ Phẩm

Các dạng bào chế mỹ phẩm phổ biến