Những nguyên tắc xây dựng công thức bào chế hóa mỹ phẩm

Cũng giống như nấu ăn hay pha chế đồ uống, bào chế mỹ phẩm bên cạnh việc cần sáng tạo và nhạy bén để biến tấu, tạo ra những phá cách cùng các dấu ấn riêng thì cũng có những nguyên tắc nhất định cần được tuân theo. Đó sẽ là bộ khung, là xương sống cơ bản để chúng mình bồi đắp, phát triển thành một công thức tốt, có tính ứng dụng và thương mại cao.

Dù ở bất kỳ dạng bào chế nào, từ dạng nước, dạng kem, dạng gel hay serum… thì các sản phẩm đều được cấu thành từ một số thành phần cơ bản đóng vai trò quan trọng đối với sản phẩm. Chỉ cần nắm bắt được điểm này, mình và bạn đều có thể tự xây dựng được công thức cho sản phẩm. Để bào chế mỹ phẩm, chúng mình có thể đi theo hai hướng, xuôi và ngược.




NGUYÊN TẮC XUÔI

Tất cả các loại mỹ phẩm dù được cấu thành từ bao nhiêu loại nguyên liệu đi chăng nữa thì chúng đều được xếp vào 5 nhóm cơ bản, tương ứng với vai trò của chúng đối với sản phẩm. Năm nhóm này bao gồm: Chất nền, tạo đặc-nhũ hóa, hoạt chất, chất bảo quản, hương liệu-phụ gia.

Nhóm chất nền: Những nguyên liệu trong nhóm này sẽ chiếm tỉ lệ cao nhất trong sản phẩm, đóng vai trò dung môi, hòa quyện các thành phần còn lại của sản phẩm. Loại nền phổ biến mà chúng mình hay gặp nhất là nền nước, đôi khi chúng mình cũng sẽ thấy nền dầu ngoài ra nền của sản phẩm cũng có thể được chia theo nền nóng và nền nguội…

Nhóm chất tạo đặc, chất nhũ hóa: Các thành phần thuộc nhóm này sẽ đóng vai trò quyết định tới kết cấu, tính đặc hay lỏng của sản phẩm và là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới cảm nhận ban đầu của người dùng. Chúng kết hợp với các chất trong nhóm chất nền, từ đó sẽ quyết định dạng bào chế của sản phẩm là nước, lotion, serum, gel, hay cream… Các chất tạo đặc có những cơ chế tạo đặc dựa trên các nguyên lý khác nhau. Chúng có thể dựa trên sự trương nở, hút nước của của các hạt chất tạo đặc (Carbomer, HEC, HPMC, CMC…), hoặc cũng có thể là sự hình thành keo tụ do tác động của điện tích (sự tạo đặc với muối của các chất hoạt động bề mặt ionic). Mỗi cơ chế lại có những đặc trưng riêng, đồng thời cũng có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quá trình này mà chúng mình cũng sẽ phải lưu tâm tới như điều kiện pH, nhiệt độ… Hãy đón chờ các bài viết tiếp theo của chúng mình và cùng nhau tìm hiểu thêm về chủ đề này nhé!

Nhóm chất hoạt tính: Đây là nhóm các chất mặc dù chiếm tỉ trọng rất thấp trong sản phẩm nhưng lại đóng vai trò quyết định tới hiệu quả thực sự của sản phẩm, là những nhân tố tạo ra sự khác biệt và ưu việt. Chúng mình cũng có thể dùng từ “nhỏ mà có võ” để mô tả về những nguyên liệu có mặt trong nhóm này. Đây là những thành phần giúp sản phẩm giữ được chân người tiêu dùng. Để dễ hình dung hơn, chúng mình hãy cùng nhau tới với một vài ví dụ nhé. Đối với các loại serum skin care các hoạt chất như Vitamin C, Vitamin E, Acid Salicylic, AHA, BHA, Retinol… chiếm tỉ lệ rất thấp, thường sẽ nhỏ hơn 1%, tuy nhiên chúng lại quyết định hiệu quả về trắng da, chống lão hóa, tăng sinh collagen, trị mụn… Bên cạnh các hoạt chất hóa học, các chế phẩm tự nhiên như chiết xuất, tinh dầu, cao thực vật… cũng được xếp vào nhóm này. Trong tương lai chúng mình cũng sẽ có nhiều bài viết sâu hơn về các đại diện tiêu biểu trong nhóm này, với các chuyên đề liên quan tới da, tóc… Hãy đón đọc và ủng hộ chúng mình thêm nhé!

Nhóm chất bảo quản: Các chất bảo quản sẽ giúp tăng tuổi thọ cho sản phẩm. Giúp làm chậm quá trình oxy hóa, thủy phân, giảm sự phát triển của nấm mốc hoặc vi khuẩn có hại. Đối với mỗi loại nền sản phẩm sẽ có những loại chất bảo quản tương thích để lựa chọn sử dụng, ngoài ra chúng mình cũng sẽ cần quan tâm tới liều lượng cũng như ảnh hưởng của các chất này tới sức khỏe của người tiêu dùng. Một số loại chất bảo quản thông dụng chúng mình hay gặp có thể kể đến như Sodium benzoate, EHGP, Phenoxyethanol, Optiphen, NeoDefend…

Nhóm chất tạo hương, màu và phụ gia: Nhóm này giúp tăng cường các thuộc tính thu hút người tiêu dùng, ví dụ như mùi hương, sự lưu hương, màu sắc, độ bóng bẩy của sản phẩm… Chúng có thể có hoặc không có trong thành phần vì không ảnh hưởng tới công dụng chính của sản phẩm, tuy nhiên sự có mặt của chúng sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của sản phẩm hơn rất nhiều, tăng cơ hội tiếp cận ban đầu của sản phẩm với người sử dụng.

Như vậy, với nguyên tắc xuôi, trước hết chúng mình sẽ cần nắm được bộ khung năm nhóm chất trên, từ đó sẽ lựa chọn các chất phù hợp với công năng sản phẩm mà chúng ta đang quan tâm. Hãy cùng phân tích một ví dụ cụ thể nhé.

Chẳng hạn như, chúng mình được yêu cầu nghiên cứu và phát triển một sản phẩm sữa tắm dạng gel, trong suốt, có khả năng tạo bọt và làm sạch tốt, hỗ trợ tẩy tế bào chết, giữ ẩm và không khiến da bị khô sau khi sử dụng, mùi hương dịu dàng, nữ tính… Với những yêu cầu này chúng ta có thể lựa chọn một số thành phần chính như sau:

  • Chất nền: Nước hoặc nước và dầu.

  • Chất tạo đặc, chất nhũ hóa: Chất tạo đặc chúng ta có thể sử dụng PEG-120, Xanthan gum, HEC… tùy thuộc pH của sản phẩm để thu được dạng gel trong suốt. Chất hoạt động bề mặt, tạo bọt chúng ta có thể chọn SLS, SLES, CAB… hoặc bổ sung thêm cả CDE để bọt mịn và bền hơn, các chất như SLS hay SLES cũng có thể tạo đặc bằng cách kết hợp với dung dịch muối NaCl.

  • Chất có hoạt tính: Có thể bổ sung Vitamin E, Glycerin, chiết xuất lô hội… giúp giữ ẩm cho da, dùng Vitamin C, Acid Salicylic giúp hỗ trợ tẩy tế bào chết, làm sáng da.

  • Nhóm hương liệu và phụ gia: Với một mùi hương dịu dàng và nữ tính chúng mình có thể lựa chọn các loại hương liệu tông trái cây như dâu, táo, nho, lựu… hoặc thêm một tầng hương sâu lắng hơn như hoa hồng, hoa oải hương hay một chút vanilla.

NGUYÊN TẮC NGƯỢC

Ngược lại quá trình trên, chúng mình hoàn toàn có thể xây dựng được một công thức từ bảng thành phần của một sản phẩm bất kì bằng cách xếp các nguyên liệu trong thành phần vào 5 nhóm chính trên. Hãy cùng thực hành nhé. 

Sản phẩm sữa tắm dưỡng ẩm của hãng Benew có thành phần công bố trên nhãn: Water, Sodium Laureth Sulfate, Cocamidopropyl Betaine, Cocamide DEA, Sodium Chloride, Disodium Cocoamphodiacetate, Coco Glucoside, Glycol Distearate, Phenoxyethanol, Sodium Benzoate, Milk Extract, Goat Milk Extract, Aloe Barbadensis Leaf Extract, Honey Extract, Camellia Sinensis Extract, Sodium Hyaluronate, Allantoin, Citric Acid, Disodium EDTA, Fragrance.

  • Nhóm chất nền: Nước.

  • Nhóm chất tạo đặc, chất nhũ hóa: Sodium Laureth Sulfate (chất hoạt động bề mặt), Cocamidopropyl Betaine (chất hoạt động bề mặt), Cocamide DEA (tạo đặc), Sodium Chloride (chất trợ tạo đặc), Disodium Cocoamphodiacetate (chất hoạt động bề mặt), Coco Glucoside (chất hoạt động bề mặt), Glycol Distearate (chất hoạt động bề mặt).

  • Nhóm chất bảo quản: Phenoxyethanol, Sodium Benzoate.

  • Nhóm chất có hoạt tính: Milk Extract, Goat Milk Extract, Aloe Barbadensis Leaf Extract, Honey Extract, Camellia Sinensis Extract, Sodium Hyaluronate (giữ ẩm), Allantoin (giảm kích ứng), Citric Acid.

  • Nhóm hương liệu và phụ gia: Disodium EDTA (thành phần chống nước cứng), Fragrance (hương liệu).

Vậy là chúng mình đã cùng nhau tìm hiểu về những nguyên tắc cơ bản nhất để bắt đầu xây dựng một công thức mỹ phẩm rồi đó. Hai nguyên tắc này sẽ là công cụ hữu hiệu trong quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm, khi đi xuôi chúng mình đi từ yêu cầu sử dụng của sản phẩm cho tới thành phần, khi đi ngược chính là quá trình chúng mình học hỏi và tiếp thu những điểm mạnh từ những sản phẩm tốt đã và đang có mặt trên thị trường. Tuy nhiên để có thể bào chế thành công một sản phẩm thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước như cách sử dụng, pha chế các nguyên liệu, tỉ lệ và liều lượng tối ưu, các yếu tố ảnh hưởng, xây dựng quy trình ở quy mô phòng thí nghiệm và quy mô công nghiệp… Hãy đồng hành cùng chúng mình với nhiều chủ đề hay ho trong tương lai nhé!

Cảm ơn các bạn thân yêu!

Các bạn có thể ủng hộ các bài viết và nội dung cho chúng mình thông qua địa chỉ Email:

rndhoamypham@gmail.com.

Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tổng quan về chất tạo đặc

Tổng quan về các nhóm hoạt chất chính trong Hóa Mỹ Phẩm

Các dạng bào chế mỹ phẩm phổ biến