Cấu trúc và chức năng của da.

 
Xin chào mọi người. Hôm chúng mình sẽ cùng nhau tìm hiểu về cấu trúc cũng như chức năng của da, phân loại và những đặc trưng của các loại da nhé.
VAI TRÒ CỦA LÀN DA
Da là một trong những bộ phận lớn và nặng nhất của cơ thể. Chức năng cơ bản nhất của nó là giúp bảo vệ các cơ quan bên trong cơ thể khỏi những tác động từ môi trường bên ngoài. Bên cạnh đó da còn giúp con người duy trì và điều hòa nhiệt độ cơ thể, giữ ẩm cho cơ thể. Ngoài ra da cũng có vai trò là nơi thu nhận cảm giác (xúc giác) với các thụ cảm thể và hệ thống các dây thần kinh giúp chúng mình cảm nhận các cảm giác như nóng, lạnh, đau, ngứa,... Không chỉ vậy da cũng là một bộ phận trong hệ bài tiết, một số chất như ure, acid uric, sẽ được cơ thể bài tiết một phần qua da. Da cũng là nơi xảy ra quá trình tổng hợp Vitamin B, Vitamin D. Như vậy, chúng mình có thể thấy rằng da có những vai trò thiết yếu và là một bộ phận quan trọng của cơ thể.
CẤU TRÚC CỦA LÀN DA
Da có cấu trúc khá phức tạp, các mô da có cấu trúc gồm ba lớp (Biểu bì, trung bì và hạ bì) được liên kết chặt chẽ với nhau, da cũng có các lớp biểu mô, các mô liên kết, các tuyến lông và nang lông, hệ thống các mạch máu và mạch bạch huyết.


  • Biểu bì hay còn gọi là thượng bì (Epidermis): Đây lớp ngoài cùng của da, là hàng rào chống thấm nước có bề dày từ 0,07 tới 1,8 mm. Biểu bì chia thành 5 lớp: 
Lớp đáy (Basal stratum)
Lớp gai (Stratum spinosum) 
Lớp hạt (Stratum granulosum) 
Lớp sáng (Stratum lucidum)
Lớp sừng (Stratum corneum) 
Con người rụng khoảng 500 triệu tế bào da mỗi ngày. Trên thực tế, các phần ngoài cùng của biểu bì bao gồm khoảng 20 tới 30 lớp tế bào chết.
Lớp biểu bì liên tục tạo ra các tế bào mới ở các lớp dưới của nó. Trong khoảng bốn tuần, các tế bào này tự nổi lên trên bề mặt, trở nên cứng và thay thế các tế bào chết.
Ngoài ra lớp biểu bì cũng chứa các sắc tố da, chúng thuộc nhóm các hắc sắc tố có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các tác động xấu của tia cực tím. Các sắc tố (melanin) ở da sẽ được tổng hợp bởi các tế bào sắc tố (melanocyte). Bình thường, các tế bào sắc tố sẽ nằm xen kẽ với các tế bào đáy và sau mỗi chu kì khoảng 10-15 ngày, tế bào đáy lại có một tế bào sắc tố mới. Khi cần nhiều sắc tố (tiếp xúc với tia cực tím nhiều), các tế bào sắc tố (melanocyte) sẽ xuất hiện cả trong lớp gai (gây ra vết rám nắng) và các đại thực bào ở lớp trung bì.
Ngoài ra lớp biểu bì còn có một số thành phần phụ khác như nang lông, tuyến bã nhờn, tuyến mồ hôi,...
  • Trung bì hay còn gọi là chân bì ( Dermis): Lớp trung bì có độ dày từ 0,7 tới 7mm, đóng vai trò như mô liên kết, tạo ra sự đàn hồi và săn chắc cho da. Về mặt cấu tạo, lớp trung bì có thể chia thành các phần sau : 
Các chất nền tảng (chất gian bào): Là một màng nhầy gồm tryptophan, tyrosin,…
Các tế bào liên kết: Là các tế bào xơ hình thoi hoặc amip, có tác dụng làm da lên sẹo. Tương bào tham gia quá trình chuyển hoá heparin, histamin liên quan tới các đáp ứng viêm và phản ứng dị ứng.
Bó sợi liên kết và sợi đàn hồi: Những sợi chống đỡ, sợi tạo keo (Collagen) là những sợi thẳng không phân nhánh cấu tạo bởi những chuỗi polipeptit.
Các thành phần khác: Nang lông, cơ dựng lông, mạch máu,mạch bạch huyết, các thụ thể, tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn.
Về mặt cấu trúc, lớp trung bì được chia thành 2 lớp:
Vùng nhú (Papillary region): Chứa các mô liên kết lỏng lẻo, tạo thành bề mặt không bằng phẳng và hình thành các ranh giới lồi lõm ăn vào lớp đáy của biểu bì, cũng chính là nguyên nhân tạo thành các vân, rãnh trên da như dấu vân tay.
Vùng lưới (Reticular region): Chứa các mô liên kết chặt chẽ và không đồng đều, các sợi protein trong vùng lưới tạo nên sự rắn chắc và đàn hồi cho da.
Nếu lớp trung bì bị căng giãn quá mức, ví dụ như trong thời kì dậy thì hay mang thai, chúng có thể bị “xé” rách và hình thành các vết rạn da.
  • Hạ bì hay còn gọi là mô dưới da (Subcutaneous): Đây là lớp sâu nhất của da, là các mô liên kết mỡ giúp liên kết da với xương. Lớp hạ bì có nhiều ô được ngăn cách bởi các vách nối liền với trung bì, trong mỗi ô có mạch máu, thần kinh, tế bào mỡ, tế bào tròn, tế bào sáng. Một số vị trí đặc biệt trên cơ thể có thể không có lớp hạ bì như da cánh mũi, viền đỏ môi., da mí mắt, vành tai,... Lớp hạ bì phát triển mạnh ở vùng mông, và bụng (đặc biệt là đối với phụ nữ), ảnh hưởng tới thẩm mỹ. 
TỔNG KẾT 
Da là một tổ chức có cấu tạo rất phức tạp và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đóng nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể. Để có một làn da khỏe mạnh, mịn màng cần có một chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng khoa học từ cả bên trong và bên ngoài. Hãy giữ cho mình những thói quen sinh hoạt tốt cùng một chế độ ăn uống phù hợp để nuôi cho mặt trong của da. Các chất có thể thẩm thấu qua lớp ngoài của da, bởi vậy chúng mình cũng cần lựa chọn những sản phẩm chăm sóc từ bên ngoài thích hợp cho bản thân.
Trong tương lai chúng mình sẽ tiếp tục có những bài viết về chủ đề da và tóc như: Hàng rào da, cơ chế thẩm thấu của các chất qua da, phân loại da và những điều cần biết,... Nếu quan tâm hãy đón đọc và đồng hành cùng chúng mình nhé! Hoặc bạn cũng có thể đóng góp các bài viết để chia sẻ tới mọi người cho chúng mình thông qua địa chỉ Email: rndhoamypham@gmail.com.
Cảm ơn vì bạn đã ở đây!


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tổng quan về chất tạo đặc

Tổng quan về các nhóm hoạt chất chính trong Hóa Mỹ Phẩm

Các dạng bào chế mỹ phẩm phổ biến